Tổ chức phi chính phủ Chatham House (Anh) mới đây đã có bài viết nhận định rằng, không có ứng cử viên tổng thống Mỹ nào mong muốn xảy ra xung đột công khai giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Điều đó có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ và hỗn loạn trên toàn cầu. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt với những thách thức gay gắt trong các vấn đề thương mại, công nghệ và vấn đề Đài Loan bất kể ứng cử viên nào dành chiến thắng.
Trung Quốc đang chuẩn bị cho nhiều biến động hơn bằng cách áp dụng cách tiếp cận huy động sự tham gia của cả nước trong mối quan hệ với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc vượt ra ngoài phạm vi các vấn đề đối ngoại, phối hợp đồng thời với các nhà hoạch định chính sách kinh tế, quân nhân và các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ, cũng như huy động nguồn lực trên khắp đất nước.
Theo Chatham House, cách tiếp cận này được định hình bởi chiến lược kiềm chế của Mỹ trong những năm gần đây, bao gồm những nỗ lực không ngừng nghỉ của Washington nhằm duy trì vị thế độc quyền về công nghệ, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Trung Quốc và xây dựng một liên minh các quốc gia đồng minh ở Châu Á và những nơi khác trên thế giới để giải quyết “thách thức Trung Quốc”.
Cảm thấy bị bao vây, Trung Quốc đang chuẩn bị cho mối quan hệ mang tính thù địch lâu dài với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đánh giá những nội dung cuộc hội đàm gần đây giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi cuối tháng 8, Chatham cho rằng Bắc Kinh dường như đã từ bỏ hy vọng về một mối quan hệ hợp tác nhiều hơn với Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc hiện tại tập trung vào xác định các điều khoản và điều kiện cạnh tranh giữa “hai gã khổng lồ”.
Theo Chatham House, là một phần của quá trình nêu trên, Trung Quốc đã chuyển đổi mô hình kinh tế của mình từ việc “theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá” sang “xây dựng một nền kinh tế bền vững”, được thúc đẩy bởi sự đổi mới và có thể ứng phó với những căng thẳng địa chính trị kéo dài.
Bằng cách thúc đẩy đổi mới trong nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hướng đến mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế và giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào lĩnh vực bất động sản. Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX diễn ra giữa tháng 7 vừa qua đã cho thấy dấu hiệu chấp thuận cuối cùng đối với cuộc cải tổ lớn này.
Tiến bộ về khoa học và năng lực công nghệ là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng khác của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển năng lực đổi mới và quyết tâm trở thành nhà vô địch toàn cầu trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định. Nhưng các lệnh trừng phạt có mục tiêu của Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ và cá nhân Trung Quốc đã cản trở những nỗ lực này và đang phát huy tác dụng như mong đợi.
Thương mại và đầu tư theo truyền thống được coi là các yếu tố ổn định trong quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện ít chú trọng đến những điều này do những lợi ích hữu hình của chúng đối với quan hệ song phương đã giảm đáng kể; điều đó bắt nguồn từ sự cạnh tranh thương mại gia tăng và Trung Quốc đang chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu các sản phẩm cấp thấp sang nền kinh tế công nghệ cao.
Thay vào đó, sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong sản xuất xe điện và chất bán dẫn đã làm gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ. Chatham House nhận định, Bắc Kinh khó có thể từ bỏ tham vọng trở thành nhà vô địch toàn cầu về sản xuất công nghệ cao để cải tổ nền kinh tế của mình, vì vậy những xung đột trong thời gian tới sẽ vẫn là điều không thể tránh khỏi.
Theo Chatham House, đảo Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Mặc dù không có sự thay đổi chính thức nào về cách diễn đạt chính sách của Trung Quốc, các nhà chiến lược Trung Quốc phần lớn đánh giá tình hình hiện tại vẫn bấp bênh, xét đến chính phủ mới tại Mỹ vẫn ủng hộ Đài Loan.
Điều này có thể dẫn đến việc Bắc Kinh chuyển sang răn đe mạnh mẽ hơn đối với giới lãnh đạo Đài Loan và Mỹ. Với việc Washington cũng tăng cường các biện pháp răn đe tương tự đối với Bắc Kinh, các yếu tố cho một cuộc đối đầu ở Eo biển Đài Loan hiện đang tồn tại.
Chatham House nhận định, để ngăn chặn kịch bản xấu nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình cần thường xuyên đối thoại trực tiếp với bất kỳ ứng cử viên tổng thống Mỹ nào được bầu vào tháng 11 tới.
Theo Chatham House, với việc hai ứng cử viên Trump và Harris đang cạnh tranh để tỏ ra cứng rắn nhất với Trung Quốc trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử, giới lãnh đạo hoạch định chính sách của Trung Quốc không hề ảo tưởng rằng mối quan hệ trắc trở với Mỹ sẽ được cải thiện một cách kỳ diệu trong tương lai gần.
Dù vậy, mối quan hệ Mỹ - Trung không nên bị đánh giá một cách bi quan. Chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ luôn và sẽ tiếp tục là "sản phẩm của những cân nhắc" nhằm đảm bảo sự cân bằng, có tính đến bối cảnh quốc tế và những nhu cầu của chính quốc gia này.
Chatham House nhận định, thật đáng mừng khi cả hai bên gần đây đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm. Mặc dù sự cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ không biến mất chỉ sau một đêm, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể tránh được xung đột với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra, bất kể ứng cử viên nào sẽ vào Nhà Trắng trong năm tới.
(Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn)
Tác giả: Quản lý
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn