Ngành truyền thông đem đến cho bạn kiến thức về cách sử dụng các phương tiện truyền thông để phản ánh thực trạng hay lan tỏa thông điệp có sức ảnh hưởng trong thời đại kỹ thuật số. Truyền thông là một thuật ngữ bao trùm cho các môn học kết hợp kỹ năng trong giao tiếp đại chúng với kiến thức xã hội.
Sinh viên sẽ được tiếp cận việc truyền đạt thông tin, báo cáo tin tức, xây dựng thông điệp hay phân tích văn hóa truyền thông, v.v. Bên cạnh đó, sinh viên có thể được yêu cầu tìm hiểu về đạo đức, chính sách và luật pháp liên quan đến truyền thông, cũng như lịch sử của truyền thông và bối cảnh số hóa. Đồng thời, ngành này đòi hỏi người học phải nhạy bén với những xu hướng, công nghệ mới cũng như những tin tức mới nhất.
Hầu hết các khoá học về Media & Communication chấp nhận sinh viên từ nhiều nền tảng học vấn khác nhau. Tuy nhiên, giống như các khoá học khác, bạn sẽ cần nộp những văn bằng chứng minh thành tích học tập của bạn trước đây. Ngoài ra, bạn có thể sẽ phải trải qua một cuộc phỏng vấn (trực tiếp hoặc qua điện thoại/ Skype) và nộp bài luận cá nhân cho nhà trường về lí do vì sao bạn chọn ngành học này, những kỹ năng và kinh nghiệm bạn có liên quan đến ngành học và định hướng của bạn trong tương lai. Để theo đuổi ngành học này, bạn cũng cần rất nhiều kỹ năng liên quan đến ngôn ngữ, điều đó có nghĩa bạn sẽ cần nộp kết quả của bài kiểm tra ngôn ngữ có liên quan.
Các khóa học về Media & Communication thường được giảng dạy thông qua sự kết hợp một số phương pháp như tham dự bài giảng, hội thảo, các hoạt động thực tiễn,... nhằm đem đến cho sinh viên hiểu biết sâu rộng về thế giới truyền thông ngày nay.
Vào năm học đầu tiên, hầu hết các môn học sẽ cung cấp cho bạn nền tảng kiến thức về ngành học, ví dụ như: nguyên lý cơ bản về truyền thông, vai trò của truyền thông đối với xã hội, khái quát về ngành công nghiệp truyền thông, kỹ năng nghiên cứu truyền thông, kỹ năng viết và ngôn ngữ,...
Trong những năm học tiếp theo, bạn có thể tuỳ chọn một chuyên ngành cụ thể tùy theo sở thích và thế mạnh của bạn.
Việc đánh giá kết quả có thể bao gồm nhiều phương pháp khác nhau như:
Làm bài kiểm tra
Thuyết trình trên lớp
Làm tiểu luận
Thực hiện dự án thực tế như sản xuất phim hay nội dung trực tuyến,...
Truyền thông xã hội (Social media)
Chuyên ngành truyền thông xã hội phù hợp cho những bạn muốn tìm hiểu về sự ảnh hưởng to lớn của lĩnh vực truyền thông toàn cầu. Bạn sẽ được tìm hiểu về sự phát triển của các mạng xã hội thịnh hành như Facebook, Twitter, Instagram, Pinterest và Tumblr,... và học cách vận hành những nền tảng này để truyền thông cho tổ chức, sản phẩm hay chiến dịch.
Truyền thông và phương tiện mới (Communications and new media)
Ngành học này tập trung nghiên cứu về những nền tảng công nghệ mới, chẳng hạn như việc sử dụng phương tiện để tương tác với người dùng, cải thiện trải nghiệm người dùng trên các nền tảng kỹ thuật số. Bạn cũng có thể học về thiết kế phương tiện kỹ thuật số, những phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu kỹ thuật số,...
Báo chí (Journalism)
Ngành học này cung cấp cho bạn một nền tảng và các quy trình trong ngành báo chí, bao gồm các kỹ năng chuyên nghiệp như quy trình làm việc trong phòng tin tức, cách nghiên cứu thị trường hay làm thế nào để trình bày, thể hiện ý tưởng trước công chúng. Các khoá học báo chí thường rất thực tế, và sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để nghiên cứu và trình bày tin tức của riêng họ, kèm theo việc sử dụng những kĩ năng viết, thuyết trình hay làm video, hình ảnh.
Xuất bản và biên tập (Publishing and editing)
Chuyên ngành về xuất bản và biên tập dành cho những bạn quan tâm đến việc theo đuổi sự nghiệp truyền thông trong ngành xuất bản. Tại đây, bạn sẽ được học hỏi về các chủ đề như xuất bản tạp chí, xuất bản báo, xuất bản sách và phương tiện truyền thông mới. Các khoá học hữu ích khác có thể bao gồm phát triển kinh doanh, tiếp thị và phân phối xuất bản, thiết kế đồ họa, biên tập và các vấn đề pháp lý.
Đài phát thanh và truyền hình (Radio and TV broadcasting)
Bạn sẽ được tìm hiểu về từng giai đoạn để tạo ra một chương trình truyền hình hay phát thanh, từ việc lựa chọn thông điệp và câu chuyện phù hợp, quay phim hoặc ghi âm, tìm địa điểm, tìm hiểu sự việc và phỏng vấn mọi người, chỉnh sửa và trình bày.
Film and media studies (Nghiên cứu phim ảnh và phương tiện truyền thông)
Chuyên ngành nghiên cứu phim và phương tiện truyền thông có thể là lựa chọn hàng đầu cho bất kỳ ai có hứng thú làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh - có thể là nhà sản xuất, biên kịch/biên tập viên hoặc nhà phê bình. Bạn sẽ được học một loạt các kỹ năng làm phim thực tế, bao gồm việc viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn, quay phim, chiếu sáng và biên tập.
Các chuyên ngành khác
Một số chuyên ngành khác bạn có thể gặp trong ngành Media & Communication có thể kể đến: quảng cáo, hành vi khán giả, văn hóa người nổi tiếng, hài kịch, môi trường ảo và trò chơi, truyền thông đa văn hóa, tiếp thị, luật truyền thông, nghiên cứu truyền thông, văn hóa hậu hiện đại, văn hóa thị giác, thiết kế website,...
Cho dù bạn tốt nghiệp với bằng đại học hoặc thạc sĩ ngành học này, có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp dành cho bạn. Dưới đây là một số nghề nghiệp phổ biến nhất trong ngành Phương tiện và truyền thông mà bạn có thể xem xét:
Báo chí: nghề nghiệp trong ngành trải rộng trên một loạt các phương tiện truyền thông, bao gồm báo, tạp chí, trang web, TV và đài phát thanh. Hầu hết các nhà báo sẽ chuyên về một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như thể thao, chính trị, nghệ thuật hoặc du lịch. Một số kỹ năng quan trọng nhất của ngành báo chí đó là tìm kiếm, nghiên cứu và trình bày ý tưởng, câu chuyện thông qua các bài viết, nội dung phát sóng hình hoặc nội dung đa phương tiện.
Copywriting: là việc dùng ngôn ngữ quảng cáo hay tiếp thị cho sản phẩm, dịch vụ, người nổi tiếng, hay các ý tưởng…, bao gồm những công việc cụ thể như sản xuất nội dung quảng cáo, nội dung tờ rơi hay các ấn phẩm quảng cáo, kịch bản cho quảng cáo truyền hình hay các đoạn phát thanh. Để theo đuổi ngành này, bạn sẽ cần một sự tinh tế trong giao tiếp bằng văn bản, sự sáng tạo và khả năng làm việc theo deadline.
Marketing: Sinh viên tốt nghiệp ngành Media & Communication có thể sử dụng kiến thức trong ngành truyền thông để xác định đối tượng mục tiêu và đề xuất chiến lược truyền thông phù hợp để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hay ý tưởng. Ngành nghề Marketing sẽ yêu cầu một số kỹ năng như kỹ năng sáng tạo và phân tích, bao gồm việc nghiên cứu thị trường và đối tượng khán giả mục tiêu, lập kế hoạch và theo dõi chiến dịch truyền thông, quản lí ngân sách truyền thông,...
Quan hệ công chúng (Public Relations): Tham gia vào ngành PR, bạn sẽ có cơ hội sử dụng những phương tiện kỹ thuật số và truyền thông bạn đã học để thiết lập, duy trì và quảng bá hình ảnh, danh tiếng của tổ chức. Ngoài ra, bạn sẽ tiến hành các công việc liên quan đến làm việc với báo chí, các đơn vị đối tác để quản lý hình ảnh thương hiệu cho công ty.
Sản xuất phim và truyền hình: Bạn có thể trở thành phóng viên truyền hình hoặc người dẫn chương trình; trở thành nhà sản xuất phim tài liệu, đạo diễn phim hoặc biên kịch. Ngoài ra, bạn có thể theo đuổi một số vị trí khác bao gồm vận hành máy ảnh, kỹ thuật phát sóng, âm thanh và hiệu ứng đặc biệt, thiết kế trang phục, hoạt hình, lồng tiếng,...
Truyền thông kỹ thuật số: Với công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số mới liên tục được ra mắt - và nhanh chóng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày, bạn cần liên tục cập nhật và làm mới mình để phù hợp với các xu hướng hiện đại. Vai trò trong lĩnh vực này bao gồm quản lý truyền thông, quản lý dự án, thiết kế tương tác,...
Tác giả: Quản lý
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn